VẸO CỘT SỐNG

VẸO CỘT SỐNG và VẸO CỘT SỐNG VÔ CĂN

Bs CKII Phạm Thế Hiển

Khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Sau một đợt khám sức khỏe học đường, các bậc phụ huynh nhận được thông báo con của mình bị vẹo cột sống cần theo dõi thêm. Thông báo này gây sự lo lắng thúc bách gia đình đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa về cơ xương khớp. Khi đến khám bác sĩ lại không cho thuốc và về theo dõi. Vậy vẹo cột sống gây ảnh hưởng đến trẻ như thế nào, có cần phải phẫu thuật không và các cách điều trị như thế nào?

Cột sống là xương trục tạo nên khung đỡ gánh vác sức nặng của cơ thể. Cột sống có từ 33 đốt sống liên kết với nhau bới dây chằng, đĩa đệm chứa tủy sống là cơ quan thần kinh trung ương dẫn truyền và điều phối hoạt động tứ chi. Cột sống được chia ra các phần: cột sống cổ (7 đốt sống), cột sống ngực (12 đốt sống), cột sống thắt lưng (5 đốt sống) và cột sống cùng cụt (6 đến 8 đốt dính với nhau). Bình thường của con người có dạng thẳng nhìn theo hướng từ sau ra trước và có dạng cong khi nhìn nghiêng.

Vẹo cột sống là hiện tượng mất đi hình dáng thẳng của cột sống khi nhìn từ sau ra trước, nghĩa là cột sống nghiêng trái hay nghiêng phải hay kết hợp cả 2.

Hiện tại có rất nhiều thuật ngữ để mô tả vẹo cột sống giúp cho các bác sĩ hiểu nhau khi trao đổi chuyên môn hay khi trao đổi với bệnh nhân.

Nói về hướng vẹo: Vẹo cột sống sang phải (dextroscoliosis): là loại vẹo cột sống thường gặp, thường xảy ra ở cột sống ngực với đỉnh vẹo sang phải. Với kiểu vẹo sang phải sẽ tạo cột sống có hình chữ C khi nó xuất hiện đơn lẻ hoặc tạo ra hình chữ S khi đi kèm với vẹo cột sống thắt lưng.

Vẹo cột sống sang trái (levoscoliosis): là hiện tượng hay gặp vẹo sang trái của vùng cột sống thắt lưng. Hiện tượng vẹo sáng trái xảy ra ở cột sống ngực gợi ý một nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn ở tủy sống cần làm rõ. Nói về vị trí cột sống bị vẹo, các bác sĩ có thể dùng các thuật ngữ sau để mô tả: vẹo cột sống ngực, vẹo cột sống thắt lưng, vẹo kết hợp ngực thắt lưng. Hoặc theo hình dạng của của cột sống bị vẹo: vẹo hình chữ C hay vẹo hình chữ S.

Theo thống kê của Mỹ, ở lứa tuổi 16, vẹo cột sống chiếm tỉ lệ 2-3%, một tỉ lệ khá cao nghĩa là cứ 100 trẻ 16 tuổi có 2-3 trẻ bị vẹo cột sống, bé gái có tỉ lệ vẹo cột sống cao hơn bé trai gấp 7 lần. Đa số vẹo cột sống không tìm được nguyên nhân (vẹo cột sống vô căn) thường xuất hiện ở lứa tuổi 10 -16. Vẹo cột sống dạng này thường nhẹ không cần điều trị và chỉ theo dõi để tránh tiến triển vẹo nặng hơn trong giai đoạn trẻ dậy thì. Một số ít nguyên nhân gây ra vẹo cột sống như:

  • Vẹo cột sống bẩm sinh: khi sinh ra hay trong 2- 3 năm đầu đời đã phát hiện bé bị vẹo cột sống.
  • Vẹo cột sống do bệnh lý thần kinh cơ: nhưng bất thường ở não, tủy sống thần kinh gây mất cân đối trương lực cơ bên trái và phải, đằng trước và sau cơ thể làm vẹo cột sống. Các bệnh lý đó là bại não, tật nứt đốt sống (spina bifida).
  • Vẹo cột sống do thoái hóa: thường ở tuổi trưởng thành, gặp ở người bị chấn thương vùng cột sống, hay phụ nữ trung niên, già bị loãng xương, thoái hóa làm xẹp các đốt sống.

Vẹo cột sống vô căn chiếm đa số, không gây triệu chứng, thường được phát hiện tình cờ qua việc khám sức khỏe học đường. Các dấu hiệu của vẹo cột sóng bao gồm:

  • Vai trẻ nghiêng qua một bên, vai cao vai thấp khi cúi gối thẳng 2 tay buông thỏng.
  • Xương bả vai nhô cao không bằng nhau
  • Lồng ngực bên cao bên thấp
  • Phần hông hoặc phần eo của trẻ không đều nhau
  • Hoặc có trẻ biểu hiện chân dài chân ngắn.

Vẹo cột sống vô căn thường không gây đau lưng, hay chỉ hơi đau nhẹ làm trẻ không chú ý. Khi vẹo cột sống kèm đau lưng nhiều hoặc vẹo cột sống kèm theo các triệu chứng như tê bì, yếu tay chân, hoặc các dạng vẹo bất thường như vẹo cột sống ngực sang trái hoặc độ tuổi phát hiện vẹo cột sống quá sớm < 8 tuổi thì cần thăm khám và tìm nguyên nhân để điều trị kịp thời.

Khi thăm khám, các bác sĩ sẽ tìm dấu hiệu thần kinh cơ và chỉ định chụp X quang phần cột sống vẹo, độ tăng trưởng của xương qua xương mào chậu (Risser) hay chỉ định chụp toàn bộ cột sống (EOS) để xác định loại vẹo và mức độ của vẹo cột sống thể thiện qua số độ bị vẹo (Cobb angle) từ các đốt sống di lệch nhiều nhất. Đôi khi các bác sĩ sẽ chỉ định chụp cộng hưởn từ MRI khi phát hiện những bất thường khác.

Để điều trị vẹo cột sống hiện có các phương pháp sau:

  • Theo dõi, tập luyện cơ cột sống
  • Mang nẹp lưng, theo dõi và tập luyện cơ cột sống
  • Phẫu thuật

Tùy theo mức độ vẹo cột sống thể hiện qua góc đo Cobb và độ trưởng thành xương của cơ thể trẻ mà bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Vẹo cột sống với góc vẹo (Cobb) <10 độ gần như không cần điều trị và theo dõi tiến triển độ vẹo mỗi 6 tháng. Tập cơ cột sống thắt lưng không làm cho độ vẹo thẳng lại, nhưng việc tập luyện luôn cần thiết để cơ khỏe hơn, giữ vững cột sống tốt hơn trong quá trình hoạt động nhằm giảm thiểu các nguy cơ chấn thương, tăng độ vẹo.

Vẹo cột sống với góc vẹo 20 đến 30 độ cần theo dõi mỗi 4-6 tháng đặc biệt ở những trẻ đang tuổi tăng trưởng để phát hiện sớm độ tăng của góc vẹo. Nếu trong thời gian theo dõi, góc Cobb tăng thêm > 5 độ hoặc góc Cobb đạt đến 30 độ hoặc hơn điều này chứng tỏ độ vẹo đang tăng dần cần được điều trị bằng nẹp.

Nẹp lưng thường được chỉ định khi góc Cobb >25 độ ở những trẻ đang tuổi dậy thì (nam 12-14 tuổi, nữ 11 – 13 tuổi). Ở những người bị vẹo cột sống phát hiện độ tuổi lớn hơn, khi xương đã trưởng thành thì chỉ định mang nẹp không còn hiệu quả. Nẹp lưng không làm cho cột sống thẳng lại được mà chỉ làm hạn chế gia tăng góc Cobb ở trẻ còn ở độ tuổi tăng trưởng, phát triển. Do đó thời gian mang nẹp kết thúc là khi trẻ đã đạt trưởng thành về tăng trưởng bộ xương. Nẹp thường mang sát cơ thể, dưới lớp quần áo, mang 23 giờ / ngày. Với các chất liệu tiên tiến, nẹp lưng có thể làm trẻ dễ chịu. Nhưng nhiều trẻ vẫn cảm thấy không thoải mái, khó thở cản trở hô hấp hoặc trẻ thấy khác biệt với các trẻ bình thường khác nên từ chối không mang bỏ lỡ tiến trình điều trị. Do vậy thuyết phục trẻ mang nẹp lưng là một vấn đề then chốt của điều trị.

Phẫu thuật được các bác sĩ đề nghị khi góc Cobb từ 40 – 45 độ và tiếp tục tiến triển ở trẻ vị thành niên. Những người có Cobb> 50 độ thì được khuyên là phẫu thuật. Lúc này, độ vẹo cột sống làm ảnh hưởng đến các cấu trúc ở lồng ngực như tim, phổi hạn chế hoạt động. Ngoài ra độ vẹo nhiều làm ảnh hưởng nhiều đến vấn đề thẩm mỹ.

http://www.spinemd.com/cache/images/scoliosis_ervin_compare_AP_610_576_80.jpg

Phẫu thuật trong vẹo đốt sống là hàn các đốt sống với nhau để ngừng tiến triển vẹo đốt sống, đồng thời điều chỉnh thẳng lại cột sống nhiều nhất có thể. Để các đốt sống liên kết dính với nhau cần phải có các thanh kim loại, vít cố định các đốt sống để cho sự lành xương diễn ra. Thời gian liền các xương đốt sống từ 3-6 tháng. Việc lấy các thanh kim loại, vít ra khỏi cơ thể là không cần thiết trừ khi nhiễm trùng hay gãy thanh kim loại. Phẫu thuật có các biến chứng như bị liệt thần kinh (hiếm gặp), mất máu, nhiễm trùng, dò dịch não tủy, gãy các thanh kim loại hay vít. Phẫu thuật chỉnh vẹo đốt sống là một phẫu thuật lớn cần được đánh giá và suy xét bởi các chuyên gia chấn thương chỉnh hình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Post

%d bloggers like this: