NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU CỔ CHÂN KÉO DÀI – HỘI CHỨNG CHÈN ÉP

NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU CỔ CHÂN KÉO DÀI –  HỘI CHỨNG CHÈN ÉP.

Bs Phạm Thế Hiển

0902411627

Tại phòng khám, nhiều bệnh nhân trẻ đến vì đau nhiều vùng cổ chân khi đi lại, đặc biệt là Nam giới đã từng có chấn thương cổ chân khi chơi thể thao hay tai nạn giao thông. Khi chụp X quang kiểm tra, đa số đã thấy hiện tượng thoái hóa khớp cổ chân như xơ đặc xương, gai xương, tạo xương bất thường. Vậy nguyên nhân của đau cổ chân do đâu? Tại sao lại thoái hóa khớp sớm như vậy?

 

Chúng ta đã biết khớp cổ chân là một trong những khớp quan trọng gánh sức nặng của cơ thể, giúp chúng ta đi lại, sinh hoạt thường ngày. Khớp cổ chân được cấu tạo bởi xương chày và xương mác tạo thành gọng kiềm đè lên xương sên (có hình dạng giống con sên). Các xương được nối kết với nhau nhờ hệ thống dây chằng và bao khớp có độ co dãn nhưng vững chắc tạo nên hoạt động của cổ chân như: đi lại, chạy, nhảy.

Thông thường, khi bị chấn thương vùng cổ chân như lật bàn chân khi chơi thể thao, bị tai nạn giao thông xe máy đè lên vùng cổ chân… ý nghĩ đầu tiên là nên chụp X quang xem có bị gãy xương không, nếu không gãy thì chỉ bị chấn thương phần mềm và hy vọng theo thời gian sẽ hết. Nhưng chấn thương phần mềm, có thể là bong gân, nếu điều trị không đúng cách hay không tuân thủ điều trị sẽ để lại những di chứng đau mạn tính vùng cổ chân mà thường gặp là Hội chứng cấn vùng cổ chân.

CÁC DẤU HIỆU

Các dấu hiệu để bạn nhận biết bị cấn ở trước cổ chân: đau kéo dài ở mặt trước cổ chân sau một chấn thương bong gân cổ chân. Bạn sẽ cảm thấy cổ chân như yếu đi hay không vững, cảm giác đầy ở mặt trước hay sưng trong những hoạt động hằng ngày. Triệu chứng sẽ biểu hiện rõ hơn khi bạn gập lưng bàn chân (đưa bàn chân lên).

Triệu chứng cấn ở sau cổ chân: bạn sẽ có cảm giác đau ở sau gót chân hay đau sâu bên trong khớp cổ chân thường thấy là đau ở phía sau mắt cá ngoài. Đau sẽ nhiều hơn khi bạn nhón gót.

NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân của hội chứng này là do  kẹt mô mềm giữa 2 xương gây đau.

Người ta thấy sau khi bong gân cổ chân, 20-40% sẽ có đau mạn tính ở cổ chân và 1/3 trong số này có liên quan đến Hội chứng cấn ở cổ chân.

Đối với một số người thường xuyên gập lưng bàn chân như các vận động viên bóng đá, bóng rổ, bóng chày, vũ công… hay sau một chấn thương bong gân nặng hay nhiều lần bong gân cổ chân làm tổn thương các dây chằng. Chính tổn thương tái đi tái lại kích thích các dây chằng, làm dây chằng tăng sinh, dầy hơn do đó dễ cấn giữa xương chày và xương sên khi bàn chân đưa lên (gập lưng). Vị trí thường thấy là cạnh dưới của dây chằng chày mác và phần trước của dây chằng mác sên trước.

Khi dầy lên, các dây chằng đè vào khớp gây kích thích và gây viêm màng hoạt dịch khớp tạo triệu chứng sưng, đau.

Sau chấn thương, sự liền các dây chằng tạo sẹo tạo những chỗ lồi lên trông như sụn chêm ở gối. Khigập lưng bàn chân, phần lồi này kẹt giữa hai xương gây đau.

Theo thời gian, tổn thương bong gân có thể tạo thành gai xương mọc ở bờ dưới xương chày và bề mặt xương sên. Các gai xương này khi chọc vào mô mềm gây đau.

KHI THĂM KHÁM BÁC SĨ

Bác sĩ sẽ hỏi về vị trí đau, đau tăng khi nào, giảm khi nào, trước đó có bị chấn thương hay không, nghề nghiệp của bạn.

Bác sĩ sẽ xem xét tầm vận động của cổ chân và tư thế gây đau.

Bác sĩ sẽ khám độ vững của khớp cổ chân bằng các nghiệm pháp.

Xquang, CT scan sẽ được chỉ định ở tư thế thẳng, nghiêng, thẳng xoay trong 20 độ hay x quang động. Trên phim xquang sẽ thấy củ ngoài xương sên lớn hơn (os trigonum), giai đoạn muộn sẽ thấy nhiều gai xương. X quang, CT scan giúp chẩn đoán phân biệt đau cổ chân với các nguyên nhân khác.

Chụp MRI cổ chân sẽ được chỉ định trong giai đoạn sớm phân biệt rõ các phì đại của mô mềm, các tổn thương giả sụn ở cổ chân.

ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG CẤN CỔ CHÂN

Để điều trị bệnh này bạn nên nghỉ ngơi, điều trị giảm sưng, giảm đau bằng cách cố định cổ chân bằng nẹp hay kê cao chân, băng thun ép, chườm lạnh, hạn chế đi lại trong 4 tuần. Khi bạn đau nhiều, hãy thông báo cho bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc kháng viêm, giảm đau NSAIDs tùy theo mức độ đau của bạn.

Điều trị phẫu thuật can thiệp khi điều trị dùng thuốc , nghỉ ngơi không hiệu quả.

Có nhiều phương pháp điều trị tùy theo nguyên nhân gây cấn ở cổ chân.

Phẫu thuật nội soi cắt lọc

Đây là phương pháp được lựa chọn phổ biến để điều trị hội chứng cấn phía trước cổ chân. Phẫu thuật được điều trị qua nội soi với vết sẹo khoảng 1cm hai bên cổ chân. Qua phương pháp này, phẫu thuật viên sẽ quanh sát vùng kích thích, sự dầy lên của mô mềm, bao khớp, viêm màng hoạt dịch hay tổn thương dạng sụn chêm. Những vùng tổn thương này được lấy đi bằng lưỡi bào chuyên dụng.

Phần gai xương cũng cũng được lấy đi ở cạnh dưới xương chày hay xương sên. Nếu gai xương quá lớn, phẫu thuật viên rạch da một đường nhỏ bên cạnh hoặc ngày trên gai xương để lấy phần gai xương bằng kềm cắt xương.

Mong rằng với các sơ cứu đúng, tuân thủ điều trị và phát hiện sớm các triệu chứng tránh hình thành gai xương gây đau khớp kéo dài gây thoái hóa cổ chân. Khi đã thoái hóa thì khớp rất khó phục hồi.

XỬ LÝ CHẤN THƯƠNG CỔ CHÂN ĐÚNG CÁCH

Các biện pháp nên làm khi chấn thương cổ chân:

Sau khi chấn thương, nếu nghi ngờ gãy chân, bạn nên cố định lại vùng cổ chân bằng 3 nẹp gỗ (dài từ trên gối đến qua gót chân) đặt ở mặt duới và 2 bên bắp chân, cố định lại với nhau bằng dây. Sau đó chườm lạnh và chuyển đi bệnh viện.

Nếu không gãy xương, các biện pháp sau nên làm:

  • Chườm lạnh: dùng khăn bọc đá lạnh chườm lên chỗ đau, sưng. Không được thoa dầu hay xoa bóp, bó thuốc. Thời gian chườm 20 phút, 4-6 lần / ngày, chườm đến khi giảm sưng (thường 48 giờ, sau chấn thương).
  • Dùng 1 cuộn băng thun băng tổn thương ép nhẹ các mao mạch tránh chảy máu gây sưng.
  • Kê cao chân trong 48 – 72 giờ đầu tiên. Chấn thương hệ tĩnh mạch đưa máu về tim cũng tổn thương, việc đưa cao chân giúp máu về tim tốt hơn.
  • Bất động chỗ chấn thương, hạn chế đi lại đến khi bác sĩ có chỉ định khác.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Post

%d bloggers like this: