HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU
(Platelet-Rich Plasma – PRP)
Trong vài thập kỷ qua, chúng ta đã biết đến một chế phẩm gọi là huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) và hiệu quả tiềm năng của nó trong điều trị chấn thương.
Nhiều vận động viên nổi tiếng đã được tiêm PRP cho các bệnh lý khác nhau của cơ thể, chẳng hạn như bong gân khớp gối và chấn thương gân mãn tính. Những loại tình trạng này thường được điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu hoặc thậm chí phẫu thuật. Một số vận động viên đã ghi nhận việc tiêm PRP giúp họ có thể trở lại thi đấu nhanh hơn.
Mặc dù PRP đã nhận được sự công khai rộng rãi, vẫn còn những câu hỏi kéo dài về nó, chẳng hạn như:
- Huyết tương giàu tiểu cầu là gì?
- Nó hoạt động như thế nào?
- Những bệnh lý nào được chỉ định điều trị bằng PRP?
- Điều trị PRP có hiệu quả không?
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là gì?
Máu chủ yếu là chất lỏng (gọi là huyết tương), nhưng nó cũng chứa các thành phần rắn nhỏ mà ta không nhìn thấy được bằng mắt thường (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu). Ngoài công dụng các thành phần của hồng cầu và bạch cầu, tiểu cầu được biết đến nhiều nhất với tầm quan trọng của chúng trong việc đông máu. Tuy nhiên, tiểu cầu cũng chứa hàng trăm protein được gọi là yếu tố tăng trưởng rất quan trọng trong việc chữa lành vết thương. Khi chúng đến vị trí chấn thương, tiểu cầu được kích hoạt và giải phóng các yếu tố tăng trưởng và protein gọi là cytokine thúc đẩy quá trình chữa lành các mô bị thương.
PRP là huyết tương với nồng độ tiểu cầu gấp 5 đến > 10 lần so với máu thông thường.
Để tạo chế phẩm PRP, bước đầu tiên cần lấy máu của chính bệnh nhân. Các tiểu cầu được tách ra khỏi các tế bào máu khác và nồng độ của chúng được tăng lên bằng cách quay trong một quá trình gọi là ly tâm. Những tiểu cầu được cô lại gấp nhiều lần này sau đó được tiêm vào vị trí bị tổn thương.
Hình: máu gồm hồng cầu (red blood cell), bạch cầu (white blood cell), tiểu cầu (platelet), huyết tương (plasma)
PRP hoạt động như thế nào?
Mặc dù không rõ chính xác PRP hoạt động như thế nào, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng sự tập trung tăng lên của các yếu tố tăng trưởng trong PRP có khả năng đẩy nhanh quá trình chữa bệnh.
Để tăng tốc độ chữa lành, vị trí chấn thương được điều trị bằng chế phẩm PRP. Điều này có thể được thực hiện theo một trong hai cách:
- PRP có thể được tiêm vô trùng vào vùng bị thương. Ví dụ, trong viêm gân Achilles, một tình trạng thường thấy ở người chạy bộ và người chơi quần vợt, gân gót chân có thể bị sưng, viêm và đau. Một hỗn hợp PRP và thuốc gây tê cục bộ có thể được tiêm trực tiếp vào mô bị viêm này. Sau đó, cơn đau ở khu vực tiêm có thể tăng lên trong một hoặc hai tuần đầu tiên, và có thể là vài tuần trước khi bệnh nhân cảm thấy có tác dụng có lợi.
- PRP cũng có thể được sử dụng để cải thiện sự chữa lành sau phẫu thuật cho một số chấn thương. Ví dụ, một vận động viên bị đứt gân gót hoàn toàn, sau đó có phẫu thuật để khâu gân. Trong và sau khi khâu gân có thể điều trị vùng bị thương bằng PRP.
Những bệnh lý nào được chỉ định điều trị bằng PRP? Nó có hiệu quả không?
Các nghiên cứu hiện đang được tiến hành để đánh giá hiệu quả của điều trị PRP. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng một số vấn đề về gân có thể đã cải thiện kết quả với tiêm PRP. Ngoài ra, ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy hiệu quả đáng kể của PRP trong điều trị thoái hóa khớp gối nhẹ đến trung bình.
Chấn thương gân mãn tính
Theo các nghiên cứu hiện đang được báo cáo, PRP có hiệu quả trong điều trị chấn thương gân mãn tính, đặc biệt là tennis elbow (viêm mỏm trên lồi cầu ngoài) một chấn thương rất phổ biến của chỗ bám cơ ở bên ngoài khuỷu tay.
Việc sử dụng PRP cho các chấn thương gân mãn tính khác: – chẳng hạn như viêm gân Achilles mãn tính (gân gót chân) hoặc viêm gân bánh chè ở đầu gối (đau đầu gối của người nhảy) – rất hứa hẹn.
Chấn thương dây chằng và cơ bắp cấp tính
Phần lớn liệu pháp PRP được chỉ định rộng rãi và công nhận trong điều trị các chấn thương thể thao cấp tính, chẳng hạn như chấn thương dây chằng và cơ.
PRP đã được sử dụng để điều trị các vận động viên chuyên nghiệp với các chấn thương thể thao phổ biến như gân hamstring (chân ngỗng ở sau đùi) và bong gân đầu gối như dây chằng bên trong và ngoài.
Phẫu thuật
Gần đây, PRP đã được sử dụng trong một số loại phẫu thuật để giúp các mô lành lại. Ban đầu nó được cho là có lợi trong phẫu thuật vai để chữa rách gân chóp xoay. Tuy nhiên, kết quả cho đến nay cho thấy rất ít hoặc không có lợi ích khi PRP được sử dụng trong các loại thủ tục phẫu thuật này.
Nghiên cứu gần đây đã được dành riêng cho lợi ích của PRP trong việc chữa lành sụn chêm sau khi khâu sụn chêm; tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ ở giai đoạn đầu.
Phẫu thuật để tái tạo dây chằng chéo trước PRP đã được áp dụng. Tại thời điểm này, dường như có rất ít hoặc không có lợi ích gì từ việc sử dụng PRP trong trường hợp này.
Thoái hóa khớp gối
Ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy hiệu quả của PRP trong điều trị thoái hóa khớp gối mức độ nhẹ đến trung bình. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những kết quả này có thể kéo dài đến 2 năm.
Tuy nhiên, hiệu quả của PRP giàu bạch cầu so với PRP kém bạch cầu (hai loại hỗn hợp PRP) vẫn chưa được xác định. PRP giàu bạch cầu chứa số lượng bạch cầu lớn hơn 100% mẫu máu toàn phần; PRP kém bạch cầu chứa số lượng bạch cầu dưới 100% mẫu máu toàn phần.
Gãy xương
PRP đã được sử dụng một cách rất hạn chế để tăng tốc độ chữa lành xương gãy. Cho đến nay, nó đã cho thấy không có lợi ích đáng kể.
Những rủi ro khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là gì?
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là xâm lấn tối thiểu và hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Bởi vì nó hoàn toàn đến từ cơ thể của chính bệnh nhân, không có mối quan tâm về sự từ chối hoặc truyền bệnh. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của tiêm PRP là khó chịu, đau và / hoặc cứng khớp tại chỗ tiêm.
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu như thế nào?
- PRP có thể được tiêm tại văn phòng của bác sĩ. Bác sĩ sẽ lấy máu của bạn, quay nó trong máy ly tâm để chuẩn bị PRP, sau đó tiêm PRP trực tiếp vào vị trí chấn thương của bạn. Việc tiêm có thể được thực hiện với hướng dẫn siêu âm. Toàn bộ quá trình sẽ mất ít hơn một giờ.
- Điều quan trọng là phải làm theo hướng dẫn của bác sĩ về cách nhanh chóng trở lại thể thao hoặc các hoạt động khác để đảm bảo phục hồi tối ưu.
- Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, naproxen và aspirin, có thể làm suy giảm chức năng tiểu cầu, bạn có thể được khuyên nên ngừng dùng chúng trong hai tuần trước khi điều trị PRP.
- Bạn có thể cần phải quay lại để điều trị PRP bổ sung, hoặc bác sĩ của bạn có thể cung cấp PRP kết hợp với các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như vật lý trị liệu hoặc các loại thuốc khác như acid hyaluronic…
Bệnh nhân có thể mong đợi kết quả nào khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu?
Mỗi bệnh nhân đều khác nhau, nhưng các bác sĩ tin rằng PRP có thể thúc đẩy sự phục hồi lâu dài hơn sau chấn thương so với một số phương pháp điều trị khác. Một số bệnh nhân báo cáo rằng cơn đau của họ được cải thiện trong bốn đến sáu tuần – đôi khi sớm hơn – và tình trạng của họ tiếp tục cho thấy sự cải thiện trong tối đa một năm.
Điều đáng chú ý là các phương pháp điều trị PRP cụ thể sẽ có mức độ thành công khác nhau với các bệnh nhân khác nhau và các bác sĩ vẫn đang nghiên cứu lý do tại sao điều này có thể xảy ra.
TÓM LẠI
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là một liệu pháp sinh học có thể kích thích chữa lành và tăng cường sửa chữa trong một số chấn thương đặc biệt về gân.
PRP thường được gọi là orthobiologic (liệu pháp sinh học, KHÔNG PHẢI TẾ BÀO GỐC), vì nó được lấy từ máu của chính bệnh nhân và ly tâm để tăng nồng độ tiểu cầu để điều trị chấn thương và tình trạng liên quan gân, cơ, daay chằng, khớp.
Tiêm PRP có thể là một phương pháp điều trị thay thế tốt trong việc quản lý chấn thương gân, dây chằng, cơ và / hoặc sụn.