CÁCH THỨC CẦM MÁU

Kĩ năng cầm máu

Cuộc sống hằng ngày không tránh khỏi những tai nạn xảy ra từ trầy xước nhẹ đến chảy máu liên tục gây nguy hiểm cho tính mạng. Hiểu biết về cách xử lý vết thương đặc biệt các vết thương chảy máu sẽ giúp hạn chế các biến chứng do mất máu và đôi khi giữ lại được mạng sống.

Đối với một vết thương chảy máu, sau một thời gian chảy, cơ thể tự động hình thành cục máu đông chặn chỗ rách hay đứt mạch máu hạn chế máu chảy đó là cơ chế cầm máu tự nhiên của cơ thể chúng ta. Nhưng đối với mạch máu lớn hơn, dòng chảy mạnh hơn, áp lực lớn hơn thì cơ chế tự động cầm máu của cơ thể không hiệu quả và cần sự can thiệp bằng các biện pháp sơ cứu.

Nguyên lý của sơ cứu vết thương chảy máu là ép trọng điểm các mép vết thương và đưa các mép càng gần nhau càng tốt để hạn chế dòng chảy, hạn chế áp lực chảy tạo điều kiện cho cơ chế cầm máu tự nhiên hoạt động tạo mục máu đông. Sơ cứu vết thương chảy máu đôi khi cần phải dùng áp lực từ bên ngoài để làm chặn tất cả dòng máu đến nơi tổn thương, nghĩa là không cho máu chảy từ tim đến vết thương, chấp nhận thiếu máu vùng dưới tổn thương để cứu mạng sống – phương pháp ga rô (nguồn gốc tiếng Pháp: Garrot, tiếng anh là Tourniquet).

Ga rô thường được thực hiện khi máu chảy là động mạch có kích thước trung bình đến lớn hay đối với người bị thiếu các yếu tố đông máu (hemophilia, xơ gan), giảm tiểu cầu, … làm cơ chế động máu tự nhiên không thực hiện được.                               

Trước tiên cần phân loại vết thương chảy máu để có thái độ xử lý. Phân loại chảy máu không mất nhiều thời gian, chỉ 10 đến 20 giây giúp bạn bình tĩnh và có thái độ xử lý đúng cách.

Có 3 loại:

  • Chảy máu động mạch: máu chảy phun ra thành vòi, phụt theo nhịp đập của tim, màu máu đỏ tươi (chứa nhiều O2). Đây là loại chảy máu nguy hiểm có thể dẫn đến mất máu nhanh chóng gây choáng và tử vong.
  • Chảy máu tĩnh mạch: máu chảy tràn, dòng chậm, màu sắc máu đỏ thẫm (chứa nhiều CO2). Loại chảy máu này nếu trúng vào các tĩnh mạch lớn có thể gây mất nhiều máu và gây choáng. Đa phần có thể tự cầm sau khi sơ cứu đúng cách
  • Chảy máu mao mạch: máu chảy rịn ra từ vết thương, chậm, màu sắc đỏ tươi. Đa phần tự nhiên cầm máu hoặc sau khi sơ cứu đúng cách.

CÁCH XỬ LÝ:

  • Chảy máu mao mạch, tĩnh mạch:
    • Rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch liên tục trong 1 phút để làm sạch, sau đó dùng gạc hay vải sạch đặt lên vết thương, băng lại và đến cơ sở y tế.
    • Nếu sau khi băng vết hương tiếp tục chảy máu, ta đặt thêm 1 lớp gạc hay vải khác và băng thêm, tránh mở tấm gạc hay vải đã đặt lên vết thương.
    • Đưa cao phần chi bị tổn thương hơn tim: đưa vết thương cao hơn ngực như đưa tay cao lên phía đầu, nằm gác chân cao hơn ngực.

  • Đối với chảy máu động mạch, đây là trường hợp nguy hiểm cần cầm máu gấp
    • Tìm vải (quần áo, khăn …) sạch hay gạc vô trùng ÉP MẠNH LIÊN TỤC lên vết thương và quan sát. Nếu máu tiếp tục chảy qua tấm gạc vừa đắp ta sẽ thêm vải hay gạc lên vết thương và ép mạnh hơn, tránh mở tấm gạc đã đắp ra, kê cao chi hơn tim như hướng dẫn trên.
    • Nếu máu ngừng chảy sau ít nhất 3 phút, băng vết thương bằng băng thun hay băng vải, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế. Khi di chuyển hạn chế cử động vùng bị thương để tránh chảy mau lại.
    • Sau 3 phút nếu máu còn thấm qua gạc đã đặt hay có dấu hiệu tiếp tục chảy máu, ta tiến hành Ga rô.
    • Ga rô tiến hành như sau. Xác định phía trên vết thương 3-5 cm, phần gần tim hơn, dùng băng thun hay vải ép chặt hết sức để nén không cho tất cả dòng máu từ tim chảy đến nơi vết thương. Trong trường hợp không có băng thun, hãy tạo một vòng kín nhỏ quanh nơi xác định ga rô, dùng 1 que cứng (thanh gỗ, cây viết, đũa….) đặt giữa vào và xoắn dần tạo áp lực đến khi ngừng chảy máu.
    • Lưu ý khi ga rô, phải ghi lại thời điểm ga rô, cứ mỗi 60 phút ta sẽ tháo ga rô để tránh gây hoại tử phần không có máu nuôi. Sau khi tháo ga rô mà thấy máu còn chảy nhiều, ta lại tiếp tục ga rô và ghi lại thời điểm mới.
    • Sau khi máu ngưng chảy, ta đắp lại vết thương như xử lý dạng mao mạch, hạn chế cử động vùng bị thương, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

Chảy máu động mạch ở vùng đặt biệt không thể ga rô được như: đầu, mũi, cổ, nách, ngực, bụng và gốc phần nối giữ tay, chân vào thân mình, lúc này dùng ngoại lực ép mạnh lên chỗ đang chảy máu là điều nên làm.

Dùng nhiều gạc hay vải sạch, ấn mạnh vào vùng đang chảy máu, dùng các băng thun hay các dây vải tạo lực ép chéo sang vùng đối diện để ép chặt phần chảy máu giúp giảm lượng máu mất giữ mạng sống cho nạn nhân. Đối với vùng cổ để tránh bị chèn ép vào đường thở, ta có nên dùng các gây gố cứng để chêm.

Các lưu ý khi sơ cứu nạn nhân:

  • Phải đảm bảo an toàn cho bản thân trước khi sơ cứu nạn nhân. Bạn nên dừng lại vài giây và quan sát nơi người bị nạn không có bất kỳ yếu tố nguy cơ có thể gây hại cho mình. Nếu có, nhanh chóng đưa nạn nhân đến chỗ an toàn rồi tiến hành sơ cứu.
  • Không đưa bất gì dị vật vào trong vết thương để cấm máu như: mạng nhện, thuốc lá… vì những dị vậy này sẽ cản trở liền vết thương và gây nhiễm trùng.
  • Đối với các vết thương chảy máu có dị vật sâu và nhiều, bạn đừng nên cố gắng lấyy ra tất cả vì sẽ làm chảy máu nặng hơn.
  • Vết thương chảy máu có dị vật lớn nằm trong vết thương như dao, các thanh sắt… Bạn đừng cố gắng lấy các vật đó ra ngoài vì sẽ làm chảy máu nhiều hơn. Khi băng vết hương bạn cố định những vật đó và tránh đè ép thêm lên các dị vật.
  • Vết thương ở mắt hay vết thương chảy máu có tạng trong bụng trồi ra ngoài như ruột, gan,… bạn tránh đè ép mạnh vào các tạng này. Lúc này bạn cần một cái vòm vững chắc như chén hay tô bằng sứ, nhựa úp lên chỗ vết thương khi đã tạm thời cầm máu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
  • Hạn chế các cử động tại vùng chi bị tổn thương để tránh mất máu thêm.
  • Cho bệnh nhân nằm, kê cao vùng tổn thương hơn tim, an ủi, giải thích việc mình làm cho nạn nhân là cách để giúp cho quá trình cầm máu diễn ra tốt và hiêu quả.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Post

%d bloggers like this: