LỎNG LẺO KHỚP – NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU KHỚP DAI DẲNG NGƯỜI TRẺ.

LỎNG LẺO ĐA KHỚP – NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU KHỚP DAI DẲNG NGƯỜI TRẺ.

                                                                                            Bs Phạm Thế Hiển.

Đau khớp kéo dài ở người trung niên, lớn tuổi là biểu hiện được cho là dễ hiểu với lý luận càng lớn tuổi khớp bị lão hóa nên đau và thật vậy khi thăm khám bác sĩ cũng chẩn đoán là thoái hóa khớp. Thế nhưng đau khớp kéo dài ở tuổi trẻ thì lại là một vấn đề không thể chấp nhận khi được chẩn đoán là “thoái hóa khớp”, bị “hư sụn” với câu hỏi, tôi chưa già sao tôi lại bị thoái hóa, hư sụn được?.  

Lỏng lẻo đa khớp là một thuật ngữ có nghĩa là các khớp lỏng hơn, dễ dàng di chuyển theo mọi hướng so với khớp bình thường. Người bị lỏng lẻo đa khớp có thể uốn bẻ các khớp với tầm co duỗi nhiều hơn, không đau nên thường được gọi là dẻo hơn người bình thường. Vì có tầm vận động uốn bẻ nhiều nên những người bị lỏng lẻo đa khớp có thể làm được một số việc uốn dẻo mà người khác không làm được và cũng rất dễ bị trật khớp gây chấn thương sụn, hư sụn khớp.

Định nghĩa lỏng lẻo đa khớp (joint hypermobility syndrome) trong y khoa định nghĩa là một rối loạn di truyền ảnh hưởng lên cấu tạo chất lượng mô liên kết của cơ thể con người, ảnh hưởng bộ phận cơ và khớp với biểu hiện đau vùng khớp, vùng cơ mà không có tình trạng viêm khớp như trong bệnh viêm khớp dạng thấp. Sau đây để dễ mô tả xin gọi lỏng lẻo đa khớp là bệnh.

Đọc định nghĩa được dịch sang tiếng Việt có thể có nhiều ý trong câu diễn tả căn bệnh này. Trước tiên ta thấy bệnh có tính chất di truyền theo gia đình nhưng hiện tại vẫn chưa xác định rõ ràng vị trí di truyền trên bộ gen người. Tùy theo từng chủng tộc, châu lục mà độ lưu hành bệnh lý khác nhau ví dụ như bệnh này hay gặp ở giới nữ nhiều gấp 3-4 lần nam, nhiều ở chủng tộc gốc Á hay Phi và hiện tại chưa thống nhất về tỉ lệ trong cộng đồng (một số tài liệu là 10-20%).

Ở ý thứ hai, ta có thể thấy là bệnh gây ảnh hưởng đến mô liên kết. Mô liên kết là thuật ngữ để chỉ các cấu trúc có cấu tạo là protein làm nhiệm vụ liên kết các cấu trúc trong cơ thể. Mô liên kết trong bệnh lý này là collagen, ta có thể tìm thấy trong toàn bộ cơ thể chúng ta như da, gân, dây chằng, bao khớp… Khớp là nơi để vận động với cấu tạo gồm hai đầu xương được bao phủ bởi sụn màu trắng (sụn khớp) nối với nhau nhờ bao khớp, dây chằng và hệ thống cơ xung quanh. Khi các mô collagen này yếu đi, toàn bộ mô liên kết sẽ yếu đi, dây chằng, bao khớp sẽ lỏng, giãn làm khớp có thể cử động với tầm vận động nhiều hơn khớp bình thường nhưng cũng dễ bị trật khớp gây ra các chấn thương. Mô gân cơ cũng yếu đi, chịu tải kém làm khớp không vững vàng.

Lúc này có thể hiểu sự vận động quá mức hay lỏng lẻo khớp làm khớp dễ bị tổn thương, tạo ra các chấn thương vi thể làm khớp đau kéo dài. Hiện tượng trật khớp nếu diễn ra sẽ gây rách, đứt bao khớp dây chằng, hư hại sụn nhiều hơn với kích thước tổn thương lớn hơn. Tổn thương này nếu không đưuợc điều trị sẽ nhanh chóng đến thoái hóa khớp không hồi phục.

Tổn thương trong lỏng lẻo đa khớp còn do nguyên nhân các thụ thể thần kinh cảm giác sâu bị suy giảm. Cảm giác sâu cơ thể là cảm giác vị trí chi thể trong không gian ba chiều. Để dễ hiểu hơn, khi ta nhắm mắt, ta vẫn cảm nhận được khớp khuỷu tay ở tư thế co hay duỗi, chân ta có nâng lên hay không. Những người mang bệnh lý này có biểu hiện của giảm cảm giác sâu. Do đó cơ thể những người này không nhận biết được khi khớp quá tầm vận động để cản lại và dễ dàng tạo ra các tổn thương.

Cảm giác sâu suy giảm, kém chất lượng mô collagen, ngoài việc gây tổn thương khớp còn gây ra bệnh lý của viêm điểm bám gân như tennis elbow, viêm cân gan chân, viêm chỗ bám gân gót, đau thắt lưng, viêm hoạt dịch bao gân, viêm túi nhớt, tổn thương chóp xoay vai…..

Theo định nghĩa trên, lỏng lẻo đa khớp cần phải phân biệt các bệnh lý khác gây đau khớp kéo dài như viêm khớp dạng thấp hay bệnh lý di truyền khác cũng làm lỏng lẻo đa khớp như hội chứng Ehlers Danlos, hội chứng Marfan, tạo xương bất toàn (osteogenesis imperfecta).

Người ta còn ghi nhận lỏng lẻo đa khớp rất thường gặp ở những người bị bệnh đau xơ cơ (fibromyalgia) do vậy có thể nhầm lẫn giữa hai bệnh lý.

May mắn là nhiều người bị lỏng lẻo đa khớp thường không có triệu chứng gì bất thường hay chỉ cảm giác khó chịu khớp về đêm sau một hoạt động quá sức. Nhiều người bị lỏng lẻo đa khớp lại rất thành công trong các môn thể thao như múa ballet, thể dục dụng cụ, nhạc công chơi đàn do độ dẻo của khớp.

Tuy nhiên, một số người có những triệu chứng dai dẳng khó chịu như:

  • Đau khớp, cứng khớp và cơ
  • Khớp kêu lụp cụp
  • Trật khớp tái diễn, tự trật rồi tự nắn lại đễ dàng
  • Khớp mỏi, khó chịu
  • Dễ bị chấn thương, dễ ngã
  • Bàn chân bẹt, phẳng
  • Các triệu chứng về tiêu hóa như: táo nón, hội chứng ruột kích thích (IBS)
  • Người hay chóng mặt, uể oải
  • Da mịn mỏng và căng
  • Suy van tĩnh mạch, cận thị

Khi khớp quá tầm vận động kèm theo triệu chứng này, có thể bạn bị lỏng lẻo đa khớp.

Khi bạn đau khớp kéo dài đến gặp bác sĩ, việc chẩn đoán lỏng lẻo đa khớp là một phép loại trừ các bệnh lý khác. Các bác sĩ sẽ xem đau khớp của bạn do bệnh lý viêm hay nhiễm trùng sưng đau các khớp kéo dài, bệnh lý lệch trục chi dưới do cấu tạo xương làm đau khớp, cơ. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ dùng thang điểm Brighton với những tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh.

Gần đây (2016) có tiêu chuẩn được đưa ra để chẩn đoán lỏng lẻo đa khớp ở trẻ em trên 3 tuổi và dưới 16 tuổi. Tiêu chuẩn đó như sau:

Các bác sĩ sẽ khuyên bạn tự chăm sóc chính mình với các lời khuyên sau:Khi được chẩn đoán là bị lỏng lẻo đa khớp, hẳn bạn sẽ rất lo lắng. Nhưng lỏng lẻo đa khớp hầu như không cần điều trị trừ khi bạn có triệu chứng về khớp hay hệ tiêu hóa.

  • Giữ cân nặng ở mức ổn định, tránh béo phì làm tăng sức ép lên khớp, dây chằng.
  • Khi bạn thấy khó chịu về đêm, bạn nên ngủ và thức đúng giờ, thư giãn trước khi đi ngủ, chỗ ngủ thoái mái, thoáng khí.
  • Bạn vẫn có thể hoạt động thể thao bình thường nhưng hạn chế các môn đối kháng như bóng đá, bóng rổ, boxing… Bạn có thể đi bơi, đạp xe, chạy bộ…
  • Khi chơi thể thao nên chọn loại giầy phù hợp môn chơi, mặt đất tiếp xúc để bảo vệ cổ chân, bàn chân tránh té ngã gây tổn thương.
  • Khi bị tổn thương như bong gân, bạn chườm đá, nghỉ ngơi, băng thun và đi khám bác sĩ để có lời khuyên về thời điểm hoạt động tập luyện.

Bạn có thể được các bác sĩ chỉ định tập vật lý trị liệu khi bạn có triệu chứng đau. Những bài tập có định hướng chuyên về một nhóm cơ để giúp bạn nhanh chóng giảm đau khi bạn có triệu chứng. Tập vật lý trị liệu giúp bạn cải thiện sức cơ, tăng sức cơ để giữ vững khớp, giúp bạn cải thiện dáng đi, tư thế bị biến dạng do đau. Tập cũng giúp bạn cải thiện được các cảm giác sâu trong cơ thể giúp hoạt động cơ thể tốt hơn.

Hoạt động trị liệu (Occupational therapy) với các bài tập vận dụng giúp bạn thích nghi với các hoạt động thường ngày khi các triệu chứng gây phiền toái. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để thích nghi và giảm thiểu triệu chứng đau. Ví dụ, họ sẽ khuyên bạn giảm thiểu sức ép lên khớp khi bạn làm việc lâu với máy tính, giúp bạn các tư thế tốt khi bạn gặp vấn đề lúc lên xuống cầu thang.

Lỏng lẻo đa khớp có thể đi kèm với bạn là bàn chân bẹt. Bàn chân bẹt là bàn chân không thấy vòm ở bên trong của bàn chân khi đứng. Bàn chân bẹt sẽ gây cho bạn triệu chứng đau nhiều ở dưới mắt cá trong (gân chằng chày sau), viêm cân gan chân, đau gót chân, sưng cổ chân. Lúc này các bác sĩ sẽ đề nghị bạn đóng những đôi giầy về nâng lại vòm bàn chân để bạn sủ dụng trong ngày và bất kì lúc nào khi bạn đi lại.

Cuối cùng là thuốc giảm đau khi triệu chứng của bạn có phần không cải thiện và xấu đi. Thuốc giảm đau khi dùng không đúng cách hay sử dụng tự ý có thể gây các tác dụng phụ như: viêm loét dạ dày tá tràng, suy thận, nguy cơ tim mạch.

Tóm lại về phần điều trị bệnh, lỏng lẻo đa khớp là không cần điều trị trừ khi có triệu chứng đau ảnh hưởng đến sinh hoạt. Để sống chung với lỏng lẻo đa khớp ta cần phải làm rõ các biểu hiện và phối hợp nhiều phương pháp từ vật lý trị liệu đến vận động trị liệu, thuốc giảm đau, các dụng cụ hỗ trợ như đế giày bàn chân bẹt, các loại nẹp…

Lỏng lẻo đa khớp là một trong những câu trả lời cho các rối loạn về khớp và đôi khi ngoài khớp cho các bệnh nhân trẻ. Chẩn đoán sớm bệnh này có thể cảnh báo cho người mang bệnh về chế độ sống phù hợp kèm với các phương pháp làm giảm thiểu triệu chứng đau, giảm thiểu biến dạng khớp không hồi phục. Do vậy việc phát hiện sớm có ý nghĩa nhiều cho bệnh nhân.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Post

%d bloggers like this: