TAI NẠN LAO ĐỘNG – CẨN TRỌNG NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM.

TAI NẠN LAO ĐỘNG – CẨN TRỌNG NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM.

 

Mỗi độ Xuân về, mong ước đoàn tụ và sung túc với gia đình luôn nằm trong suy nghĩ mỗi người, nhất là lao động xa quê. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn,  người lao động thường tranh thủ thời gian tăng ca mong tăng thu nhập chuẩn bị cho gia đình đón Tết Âm Lịch một cách đầy đủ nhất. Những loại hình lao động thường được ưa chuộng là các lao động thủ công theo thời vụ, tiếp xúc với máy dập, máy cắt…

ảnh Bs Hiển

Nguồn  lao động theo thời vụ thường thiếu chuyên nghiệp hoặc ở các tỉnh khác về thành phố lớn, chưa quen với các thao tác của máy móc hoặc tăng ca mệt mỏi, thiếu tập trung rất dễ dẫn đến các tai nạn lao động. Đặc biệt những tổn thương ở bàn tay – cơ quan hoạt động khéo léo nhất của con người.

 

Trong đêm trực cấp cứu Chấn Thương Chỉnh Hình bệnh viện Nguyễn Tri Phương gần đây, chúng tôi ghi nhận có nhiều trường hợp tổn thương ở bàn tay do máy cắt, máy cưa, dập nát ngón tay hay tổn thương mất da mặt lòng các ngón tay, đặc biệt là ngón cái.

ảnh: Bs Hiển

Đơn cử, Cô TH. 54 tuổi, quê ở An Giang, cô vừa vào Tp Hồ Chí Minh được 10 ngày để làm công việc dập tạo hình các loại bao bì. Cô vào bệnh viện lúc 3giờ 30 phút sáng với vết thương mất da và mô dưới da mặt lòng ngón tay cái, lộ gân, xương, thần kinh và mạch máu. May mắn là xương không bị gãy.

Đối với trường hợp tổn thương này có cách điều trị đơn giản nhất là cắt bỏ phần bị thiếu hụt nhưng sẽ để lại tàn tật cho bàn tay, đặc biệt là bàn tay Phải, bàn tay thuận để lao động và hơn nữa đó là ngón tay cái , ngón tay có vai trò chức năng quan trọng nhất của bàn tay.

Với cách điều trị không cắt cụt mà giữ lại ngón tay cái  bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật vi phẫu –  để chuyển vạt da che phủ và chế độ chăm sóc sau mổ tích cực để mong sao kết quả giữ lại ngón tay cho bệnh nhân. Điều này đòi hỏi cần ở bệnh nhân nhiều thời gian, bác sĩ cũng cần tỉ mỉ, và khá tốn kém vì chi phí nằm viện theo dõi. Nhưng“trớ trêu” thay,  đa số bệnh nhân bị loại tổn tương này lại không có bảo hiểm tai nạn khiến bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh  – “nghèo còn gặp cái eo”.

 

Khi tăng ca, hay lao động sau tăng ca, bạn nên đặt mình vào trạng thái cẩn trọng, an toàn lao động. Nghỉ 5 phút khi hoạt động được 45 phút giúp bạn tỉnh táo hơn, lấy lại tinh thần, rửa tay xoa mắt hay nhắm mắt để thư giãn . Trong lúc này bạn có thể rửa mặt, uống nước hay ngậm kẹo để duy trì đường huyết tạo năng lượng  tập trung lao động hơn. Khi tiếp xúc với máy móc, bạn nên theo dõi kĩ các thao tác, không nên quá nóng vội khi chưa quen, và phải đặt câu hỏi rằng, liệu thao tác nào của máy sẽ gây nguy hiểm cho bạn.

 

Lo toan cho cái tết sum vầy trong thời điểm kinh tế khó khăn nhưng cũng đừng “ quên mình” để có một cái tết AN – LÀNH bên người thân.

Bs Phạm Thế Hiển

Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình

Bv Nguyễn Tri Phương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Post

%d bloggers like this: