1. Thay khớp vai đảo ngược là gì?
Bình thường, khớp vai có cấu trúc: đầu xương cánh tay là hình cầu (giống quả bóng), còn ổ chảo ở xương vai là dạng lõm (giống cái dĩa). Khi thay khớp vai thông thường, chúng tôi thay phần “quả bóng” bằng một bộ phận nhân tạo gắn vào xương cánh tay, và “cái dĩa” cũng được thay bằng phần lõm nhân tạo.
Nhưng trong thay khớp vai đảo ngược, chúng tôi làm ngược lại:
- Gắn quả bóng nhân tạo vào xương vai,
- Gắn ổ chảo nhân tạo vào xương cánh tay.
=> Vì vậy gọi là “đảo ngược”.
Tại sao lại phải làm ngược như vậy?
Vì những bệnh nhân bị tổn thương nặng gân chóp xoay – là nhóm cơ quan trọng giúp vai hoạt động – không còn hoạt động tốt nữa. Nếu thay khớp thông thường thì vai vẫn không cử động được.
Thay khớp đảo ngược sẽ tận dụng cơ delta (ở bả vai) để giúp cánh tay nâng lên, thay thế cho cơ chóp xoay bị hỏng.
Hình Thay khớp vai toàn phần (bên trái) – thay khớp vai đảo ngược (bên phải)
Thay khớp vai đảo ngược (Reverse Shoulder Arthroplasty – RSA) là kỹ thuật phẫu thuật trong đó:
- Phần chỏm hình cầu được gắn vào xương bả vai
- Còn phần ổ chảo được đặt vào đầu trên xương cánh tay
→ Đảo ngược hoàn toàn so với cấu trúc giải phẫu tự nhiên.
Mục tiêu là chuyển trung tâm quay của khớp vai vào trong và xuống dưới, tận dụng cơ delta thay cho các cơ chóp xoay bị hư hại để nâng và dạng vai.
2. Khi nào được chỉ định thay khớp vai đảo ngược?
Các chỉ định chính:
- Rách lớn chóp xoay không thể khâu
- Thoái hóa khớp vai kèm rách chóp xoay
- Gãy nát đầu trên xương cánh tay ở người >70 tuổi
- Phẫu thuật kết hợp xương hoặc thay khớp vai trước đó thất bại
- Viêm khớp dạng thấp, loãng xương, hoặc mất vòm mỏm cùng
- Trật khớp vai mạn tính
Điều kiện đi kèm:
- Tuổi >70
- Cơ delta còn hoạt động tốt
- Dây thần kinh nách còn nguyên vẹn
- Có đủ xương ở ổ chảo để cố định khớp nhân tạo
Hình RÁCH LỚN CHÓP XOAY KHÔNG THỂ KHÂU
Hình THOÁI HÓA KHỚP VAI
Hình GÃY NÁT ĐẦU TRÊN XƯƠNG CÁNH TAY
Hình kết hợp xương ở lần mổ trước bị thất bại
Hình viêm khớp vai dạng thấp
Hình trật khớp vai mạn tính mất nhiều xương
3. Chi phí thay khớp vai đảo ngược có mắc không? Có được BHYT chi trả không?
- Đây là phẫu thuật kỹ thuật cao và khớp vai nhân tạo nhập khẩu, nên chi phí khá cao,
- Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện có hỗ trợ một phần viện phí và chi phí mổ – vài nơi có hỗ trợ tiền khớp
⭢ Bệnh nhân nên hỏi rõ tại nơi điều trị.
4. Biến chứng của thay khớp vai đảo ngược có không và như thế nào?
Có, tuy không thường xuyên. Một số biến chứng gồm:
- Cấn xương bả vai (Scapular Notching): thường gặp nhất (44–96%)
- Trật khớp vai sau thay: 2–3,4%, đặc biệt nếu không còn gân dưới vai
- Lỏng ổ chảo khớp: tăng nguy cơ sau 5–10 năm
- Nhiễm trùng sâu: 1–2%, vi khuẩn thường là C. acnes
- Gãy mỏm cùng hoặc gai vai: thường gặp ở nữ, loãng xương
- Tổn thương dây thần kinh nách: hiếm (0,5–1%), thường phục hồi
Điều trị biến chứng có thể từ bảo tồn, kháng sinh điều trị đến mổ lại.
5. Sau mổ bao lâu phục hồi bình thường?
- Đeo treo tay: 3 tuần (nếu không khâu lại gân dưới vai), hoặc 6 tuần nếu có khâu lại.
- Phục hồi chức năng: Bắt đầu sớm với vận động thụ động/hoặc có hỗ trợ.
- Tập phục hồi hoàn toàn: thường kéo dài 3–6 tháng.
- Chức năng nâng và dạng vai cải thiện rõ sau 3 tháng, nhưng động tác xoay ngoài hoặc xoay trong có thể hạn chế vĩnh viễn nếu không phối hợp chuyển gân.
6. Tỉ lệ thành công khi thay khớp vai đảo ngược?
- Tỉ lệ thành công cao nếu đúng chỉ định: đặc biệt với các ca rách lớn chóp xoay.
- Nghiên cứu cho thấy:
- Tỉ lệ sống sót khớp nhân tạo 10 năm: khoảng 90%
- Cải thiện chức năng đáng kể sau mổ
- Tỉ lệ biến chứng giảm rõ rệt sau khi bác sĩ có kinh nghiệm ≥ 20–45 ca