Vì sao khớp gối hư? Chỉ định thay khớp gối khi nào?
Hư khớp gối hay thuật ngữ chuyên môn chúng ta hay được nghe là thoái hóa khớp gối. Nói “Hư khớp gối” nghĩa là nói theo chức năng, khớp gối chúng ta không thể sử dụng được nữa hay sử dụng có trục trặc gì đó. Trục trặc của hư khớp gối đó là đau gối, vẹo khớp, chân dài chân ngắn. Còn khi nói “Thoái hóa khớp gối”, nghĩa là nói về mặt hình dạng cấu tạo khớp gối bị bào mòn, bị thay đổi cấu trúc theo chiều hướng xấu đi.
Các nguyên nhân ảnh hưởng đến lớp sụn gây khả năng hư khớp gối
- Tuổi tác: Cơ thể chúng ta là chuỗi các hoạt động tái tạo và mất đi. Khi còn trẻ thơ, sự tái tạo nhiều hơn sự mất đi, làm cơ thể phát triển mạnh: chúng ta cao hơn, tăng cân, phát triển kích thước bộ não và hoàn thiện chức năng các bộ phận cơ thể. Từ sau thập niên 30, con người chúng ta bước vào giai đoạn bắt đầu quá trình lão hóa. Khớp gối là khớp năng động và sử dụng nhiều, chúng sẽ mau hao mòn hơn các khớp khác, do vậy càng sử dụng lâu dài, tuổi tác càng cao, lớp sụn khớp gối sẽ bị mòn theo thời gian và gây hư khớp.
- Hình dạng cấu tạo xương: Cơ thể sinh ra với các hình dạng xương – khớp khác nhau, các cấu trúc xương và hình dạng đầu khớp tạo thành chân hình chữ X, chân hình vòng kiềng, lỏng lẻo các dây chằng bao khớp, làm khớp quá tầm vận động gây tổn thương sụn, dễ trật xương bánh chè, xương chày bị xoay,… tất cả làm biến dạng cấu trúc bình thường của khớp gối, khiến 1 phần sụn khớp nào đó bị chịu áp lực nhiều hơn những phần khác của khớp gối và gây hư phần sụn đó.
- Giới tính: Nữ giới trên 55 tuổi có tỉ lệ thoái hóa khớp nhiều hơn nam giới.
- Cân nặng cơ thể: Khớp gối là khớp chịu lực của cơ thể, khớp gối gánh toàn bộ trọng lượng cơ thể với tầm vận động rộng, áp lực khớp gối có thể gia tăng tùy theo tư thế. Khi chúng ta đi bộ, áp lực lên gối gấp 1,5 đến 2 lần trọng lượng cơ thể chúng ta. Khi chúng ta lên cầu thang, áp lực khớp gối gấp 4 trọng lượng cơ thể và khi chúng ta ngồi xổm áp ực có thể gấp 8 trọng lượng cơ thể. Do vậy, nếu chúng ta thừa cân, khớp gối sẽ chịu tải trọng rất nhiều, dẫn đến dễ hư mòn.
- Các vi tổn thương do thói quen sinh hoạt: Với những người làm việc nặng nhọc, khuân vác, áp lực lên khớp gối ngày này qua tháng nọ làm tổn hại đến lớp sụn khớp. Các động tác trong các nghề nghiệp sinh hoạt làm tăng nhiều áp lực lên lớp sụn: đứng tấn – squatting, quỳ gối, ngồi xổm, xếp bằng, lên xuống liên tục cầu thang,…
- Chấn thương thể thao: Khớp gối được giữ vững bởi hệ bao khớp, gân cơ và dây chằng. Các chấn thương thể thao khớp gối có thể làm đứt dây chằng, rách cơ, rách bao khớp, làm khớp gối mất vững. Khi khớp gối không vững vàng, các xương sẽ chuyển động ở các tư thế bất thường khi chúng ta đi lại, chạy nhảy. Các tư thế này dẫn đến sụn khớp bị phá hủy do chịu lực quá tải hay bị cấn làm trầy xước, bong tróc. Các vận động viên thể thao rất dễ có các tổn thương này.
- Tai nạn giao thông: Ở Việt Nam chúng ta, tai nạn giao thông làm tổn thương xương vùng khớp gối làm gãy xương hay bong tróc các cấu trúc xương cận khớp. Chấn thương gãy xương làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc sụn. Ngoài ra tùy tính chất xương gãy và mức độ di lệch mà sự lành xương sau đó sẽ dẫn đến mặt khớp không trơn láng, không đồng đều, khiến khớp không còn trơn tru khi vận động, mà thay vào đó là các góc cạnh xây xát phần khớp nguyên vẹn còn lại, gây hư khớp.
- Các bệnh lý tại khớp: Các bệnh lý cũng gây phá hủy mặt sụn khớp khi mắc phải như nhiễm trùng khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout lắng động tinh thể vào khớp, bệnh viêm khớp miễn dịch khác.
Khi nào cần thay khớp gối
Để trả lời câu hỏi này phải dựa vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là phần cảm nhận của chủ nhân khớp gối, không nên thay khớp chỉ dựa trên phim X quang khớp gối.
Quyết định thay khớp khi bạn đã được bác sĩ cho dùng nhiều cách điều trị khác nhau nhưng không thể nào sử dụng được khớp gối đó và gây đau. Các phương pháp bác sĩ thường cho chỉ định điều trị như, hạn chế động tác xấu, tập cơ khớp gối, thuốc chậm lại quá trình thoái hóa khớp, thuốc giảm đau, chích Hyaluronic acid để nuôi dưỡng sụn chớp, tiêm PRP huyết tương giàu tiểu cầu nuôi dưỡng khớp, nội soi khớp,… Khi bạn đã áp dụng các phương pháp điều trị trên mà bạn vẫn đau gối, không sử dụng được gối đó, bạn nên thay khớp. Thay khớp gối giúp bạn giảm đau và mau chóng trở lại sinh hoạt thường ngày, gia tăng chất lượng cuộc sống.
BS Phạm Thế Hiển
– Khoa CTCH, BV Nguyễn Tri Phương
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn