ĐAU KHỚP CÙNG CHẬU – NGUYÊN NHÂN ĐAU LƯNG PHỔ BIẾN

ĐAU KHỚP CÙNG CHẬU – NGUYÊN NHÂN ĐAU LƯNG PHỔ BIẾN

Bs Phạm Thế Hiển

Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình – bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đau vùng thắt lưng là triệu chứng ít nhất trong đời người ai cũng từng trãi qua. Đau có thể kéo dài vài ngày nhưng có những lúc đau kéo dài từ tuần này sang tuần khác khiến bạn phải lo lắng. Mức độ đau có thể từ nhẹ đến nặng đi, ngồi không được. Tưởng chừng đau lưng là bệnh của tuổi già thì ngày nay nay đau lưng liên quan đến bệnh lý nghề nghiệp lại hay gặp đối với các bạn trẻ ngồi nhiều, kém vận động hay vận động không đúng cách. Đau lưng cũng là một thách thức cho các bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị.

Đau lưng là triệu chứng mơ hồ gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân có thể không phải từ cơ xương khớp như trong sỏi thận, viêm thận, abscess thận, và đa số đến từ nguyên nhân cơ xương khớp như : co thắt cơ cạnh cột sống, abscess cơ thắt lưng chậu, thoái hóa cột sống thắt lưng, loãng xương, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống… Rối loạn khớp cùng chậu là một trong những nguyên nhân gây đau phần dưới cột sống thắt lưng đôi khi bị chẩn đoán nhầm với các nguyên nhân kể trên. Có nhiều thuật ngữ khác để mô tả bệnh lý này như hội chứng khớp cùng chậu, viêm khớp cùng chậu, thoái hóa khớp cùng chậu…

Bài viết cung cấp các thông tin về bệnh lý rối loạn khớp cùng chậu đồng thời đưa ra các bài tập vật lý trị liệu phối hợp trong điều trị bệnh này.

CẤU TẠO KHỚP CÙNG CHẬU

Khớp cùng chậu được tạo ra do sự kết nối của xương cùng với xương cánh chậu bên trái và phải:

  • Xương cùng là phần xương đốt sống nằm dưới phần xương cột sống thắt lưng. Không di động như các xương đốt sống khác, 5 đốt xương cùng dính lại với nhau tạo thành khối xương có dạng hình tam giác.
  • Xương chậu gồm 2 cánh chậu lớn cấu tạo nên vùng khung chậu nâng đỡ các nội tạng (ruột non, ruột già, trực tràng, bàng quang, tử cung, buồng trứng…)trong bụng.

Như vậy có thể nói khớp cùng chậu là khớp nối kết giữa xương cột sống với khung chậu. Khớp Cùng chậu được giữ vững bởi hệ thống dây chằng rất khỏe và chắc chắn làm liên tưởng khớp cùng chậu không thể di động được. Thực ra khớp cùng chậu có thể xoay 4 độ và và di chuyển 2mm. Khớp cùng chậu nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể khi ta đứng thẳng do vậy khớp rất dễ bị mòn hay phá hủy cấu trúc sụn trong khớp.

NGUYÊN NHÂN RỐI LOẠN KHỚP CÙNG CHẬU

Cũng giống như các khớp khác trong cơ thể, khớp cùng chậu có lớp sụn phủ kín đầu xương giúp xương cùng và xương cánh chậu di chuyển dễ dàng, giảm và phân bố áp lực lên mặt xương. Khi lớp sụn này bị phá hủy do chấn thương hay do mòn theo thời gian dẫn đến việc lộ các xương dưới sụn mang thụ thể đau gây triệu chứng đau ở vùng khớp này khi chịu tải lên khớp (khi đứng, ngồi lâu). Cơ chế tổn thương này tương tự các thương tổn ở các khớp chịu tải trọng khác như khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân.

Một nguyên nhân khác gây rối loạn khớp cùng chậu là do thai kỳ. Khi có thai, nội tiết tố trongcơ thể người mẹ thay đổi làm hệ thống dây chằng thư giãn, các khớp linh động hơn để khung chậu có thể giãn nở phù hợp với sự tăng dần kích thước của thai nhi trong tử cung và chuẩn bị cho việc sinh nở (chuyển dạ sinh con). Chính sự thư giãn này của các dây chằng khiến khớp cùng chậu di động nhiều hơn kết hợp với việc tăng trọng lượng cơ thể dẫn đến tăng áp lực lên khớp cùng chậu làm khớp này dễ bị tổn thương hơn. Sự thay đổi về dáng đi trong thai kỳ cũng dẫn đến các cử động bất thường khớp cùng chậu gây tổn thương sụn khớp.

Một nguyên nhân khác thường gặp hơn gây rối loạn khớp cùng chậu là do bệnh lý của chi dưới (gối, khớp háng, cổ chân, bàn chân…). Khi bị tổn thương các thành phần chi dưới tạo dáng đi bất thường (dáng đi giảm đau) khiến tăng áp lực lên khớp cùng chậu, cột sống thắt lưng. Lúc này điều trị các bệnh chi dưới sẽ giúp cải thiện rối loạn khớp cùng chậu.

Các bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến khớp cũng là nguyên nhân gây rối loạn khớp cùng chậu: bệnh Gout, viên đa khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến… Viêm cột sống dính khớp thường ảnh hưởng đến khớp cùng chậu và cũng là dấu hiệu gợi ý chẩn đoán bệnh này.

TRIỆU CHỨNG RỐI LOẠN KHỚP CÙNG CHẬU

Triệu chứng phổ biến của rối loạn khớp cùng chậu là đau. Đặc tính của cơn đau là vùng thắt lưng, đau vùng mông, có thể đau ở đùi hoặc đôi khi đau mơ hồ khó xác định vị trí rõ ràng. Đau có thể lan xuống từ vùng thắt lưng đến kheo chân, đau khi xoay trở, đổi tư thế. Đau tăng lên khi đi lại, đứng và giảm khi nằm nghỉ. Bệnh nhân đôi khi có giảm giác cứng vùng mông vào buổi sáng hay cảm giác nóng bên trong vùng khung chậu do hiện tượng thoái hóa khớp.

CHẨN ĐOÁN BỆNH

Bác sĩ sẽ hỏi rõ các tính chất của cơn đau nhằm xác định vị trí gây đau. Đau vùng thắt lưng hay vùng cùng cụt có thể nhầm lẫn các cơ quan như khớp cùng chậu, cột sống thắt lứng, cơ quanh cột sống thắt lưng, khớp háng. Bác sĩ có thể sử dụng các nghiệm pháp để xác định hay loại trừ các nguyên nhân gây đau do các cơ quan khác nhau. Đối với khớp cùng chậu, hiện tượng đau có thể xảy ra khi ép bửa khung chậu.

Bước tiếp theo, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm về hình ảnh giúp rõ ràng hơn chẩn đoán.

  • X quang là chỉ đinh đầu tay: x quang khung chậu, khớp háng, cột sống thắt lưng tùy vào các nghi ngờ của bác sĩ sau khi thăm khám. CT scan có thể giúp chẩn đoán, mang nhiều thông tin hơn về khớp và xương. Trên 2 loại xét nghiệm này sẽ thấy hình ảnh xơ xương, hình ảnh nang xương hay hủy xương quanh khớp cùng chậu, đôi khi thấy được sự hàn dính khớp cùng chậu trong viêm cột sống dính khớp.
  • MRI có thể phát hiện hiện tượng viêm trong khớp cùng chậu qua biểu hiện tăng lượng dịch trong khớp, phát hiện các gãy xương nhỏ mà trên phim x quang hay CT không thấy được.
  • Xạ hình xương là loại xét nghiệm chỉ ra vùng xương nào tăng hoạt động nhiều (viêm, nhiễm trùng, gãy xương, khối u) giúp khu trú nguồn gốc gây đau.

Ngoài ra phương pháp để khẳng định nguyên nhân đau do rối loạn khớp cùng chậu là tiêm thuốc vào khớp cùng chậu. Kĩ thuật tiêm cần được hướng dẫn dưới màng tăng sáng. Thuốc thường được sử dụng là thuốc tê Lidocaine, có thể kết hợp với Steroid. Loại thuốc này giúp giảm đau và kháng viêm vùng khớp cùng chậu. Khi tiêm vào khớp triệu chứng giảm đi thì nguyên nhân đau là do khớp cùng chậu.

ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN KHỚP CÙNG CHẬU

Việc chích thuốc vào khớp như đề cập ở trên giúp ích cho chẩn đoán xác định còn có ý nghĩa điều trị. Thuốc có thể tác dụng từ vài tuần đến vài tháng. Bác sĩ sẽ chỉ định chích lập lại vào khớp khi bạn tái phát và sẽ không quá 3 lần trong một năm.

Thuốc uống giảm đau NSAID có thể được chỉ định và hiệu quả trong việc giảm triệu chứng đau. Nếu không có tác dụng phụ hay các bệnh lý hạn chế dùng thuốc NSAID, bạn có thể sử dụng thuốc lâu dài. Steroid dạng uống được chỉ định ngắn ngày nhằm mục đích giảm viêm trong khớp nhằm mau chóng đạt được giảm đau.

Tải bài tập viêm khớp cùng chậu

Vật lý trị liệu rất hữu ích trong điều trị, giúp mau chóng giảm đau, giảm thời gian dùng thuốc và ngăn ngừa tái phát. Bài tập vật lý trị liệu nhằm mục đích căng các dây chằng, tập giữ vững khớp cùng chậu tránh khớp bị thương tổn thêm.

Khi điều trị bằng thuốc kết hợp vật lý trị liệu không giảm, triệu chứng đau ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày, chỉ định ngoại khoa được đặt ra. Phẫu thuật hàn khớp cùng chậu với việc lấy đi hết sụn khớp, kết dính 2 xương cùng và chậu bằng các con vis, đợi thời gian xương mọc hàn gắn 2 xương chậu và xương cùng. Phương pháp phẫu thuật hàn khớp nhằm tránh sự di động của 2 xương gây đau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Post

%d bloggers like this: